Thông tin theo thời gian

Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, Hà Nội dự kiến xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung - Ảnh minh họa


Theo đó, phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông.

Thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước

Theo Quy hoạch, thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội.

Cụ thể, vùng Tả Đáy thoát nước bằng bơm cưỡng bức bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực sông Tô Lịch, Đông Mỹ, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn, diện tích khoảng 47.350 ha.

Vùng Hữu Đáy thoát nước tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn và các thị trấn, diện tích khoảng 31.310 ha.

Còn đối với vùng Bắc Hà Nội, kết hợp một phần thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, diện tích khoảng 46.740 ha.

Xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải
Theo Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải, khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ) được chia thành 5 lưu vực chính thu gom và xử lý nước thải. Tại khu vực này, phát triển hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.

Khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc khu vực từ Hữu Nhuệ đến sông Đáy và một phần lưu vực Tả Nhuệ còn lại) được chia thành 11 lưu vực; Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng được chia thành 13 lưu vực; các đô thị vệ tinh, đô thị Quốc Oai được chia thành 10 lưu vực thu gom và xử lý nước thải.

Mạng lưới thu gom nước thải bao gồm các trạm bơm chuyển bậc, các tuyến cống bao và giếng tách nước thải, cống thu gom nước thải riêng đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu thu gom toàn bộ nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.

Dự kiến sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị với công suất của các nhà máy xử lý nước thải đến 2030 là 1.808.300 m3/ngày, đến 2050 là 2.482.300 m3/ngày.

Khái toán kinh phí thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 116.500 tỷ đồng (tính theo thời điểm giá năm 2012). Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 dự kiến khoảng 53.350 tỷ đồng.
 
Theo Chinhphu.vn

Quy định mới về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ký Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND, ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Văn bản này quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý hệ thống đường đô thị; công tác quy hoạch liên quan đến hệ thống đường đô thị; công tác thiết kế, xây dựng liên quan đến hệ thống đường đô thị; công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị; công tác vận hành, sử dụng, khai thác hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thành phố,…

Tại văn bản này, UBND Thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã,… đối với công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị. Trong đó, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hệ thống đường đô thị; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định về việc quản lý và sử dụng toàn bộ hệ thống đường đôi thị trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Cấp các loại giấy phép đào hè, đào đường để thi công công trình, xây dựng, lắp đặt các công trình trên hè phố, lòng đường theo phân cấp; lắp đặt ki ốt tạm thời trên hè phố; tạm thời sử dụng lòng đường để đỗ xe; trung chuyển vật liệu xây dựng; Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn TP,…

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND Thành phố.

Theo Cổng giao tiếp điện tử TPHN

Đường sắt đô thị từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên đi qua 6 quận

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Ngày 9/5, Sở QH - KT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị tuyến số 1, đoạn từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên Nam, tỷ lệ 1/500.

Về cơ bản, hướng và vị trí của tuyến đường sắt đô thị trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có. Duy chỉ có 2 đoạn vị trí tim tuyến đường sắt mới không trùng với tuyến đường sắt hiện có là đoạn phía Nam ga Hà Nội từ phố Khâm Thiên đến đường ngang ngõ Nhà Dầu (dài khoảng 230m) vị trí tim đường dịch về phía Đông và đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh (dài 685m) tim tuyến dịch về phía Đông (phố Phùng Hưng). 

Đoạn tuyến này có chiều dài 7,5km đi qua địa bàn 6 quận là Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án từ 2013 - 2020, bằng nguồn vốn ODA, trong đó, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện từ 2013 - 2017. 


 

Báo KTĐT

Công bố chỉ giới tuyến số 1 đường sắt đô thị Hà Nội

Ngày 9-5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị tuyến số 1, đoạn từ Ga Giáp Bát đến Ga Long Biên Nam, tỷ lệ 1/500.

Về cơ bản, hướng và vị trí của tuyến đường sắt đô thị trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có, trừ đoạn Nam Ga Hà Nội từ phố Khâm Thiên đến đường ngang ngõ Nhà Dầu (dài khoảng 230m) vị trí tim đường dịch về phía đông và đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh (dài 685m) tim tuyến dịch về phía đông (phố Phùng Hưng). Toàn tuyến đường dài 7,5km đi qua địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Tuyến sử dụng đường sắt đôi, lồng 3 ray, khổ đường 1.435mm và 1.000mm, khoảng cách giữa hai tim làn đường là 4,2m. Tại nút Ngã Tư Vọng, mở rộng hơn đoạn thông thường về mỗi phía 1,26m.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 dài 15,36km, từ Ga Giáp Bát đến Ga Gia Lâm, trong đó có 10,57km đi trên cao, với các hạng mục chủ yếu là cầu cạn, cầu vượt đường bộ, cầu qua sông Hồng, các ga đường sắt… thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2020, bằng nguồn vốn ODA.

Quy hoạch bến xe Yên Thường thay thế bến Gia Lâm và Lương Yên

Ngày 9-5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm đã công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bến xe tải, xe khách và dịch vụ bến xe Yên Thường (Gia Lâm).
 


Theo quy hoạch, khu đất có hiện trạng là đất nông nghiệp, diện tích 9,8ha, gắn kết với quốc lộ 3 mới và các tuyến đường đô thị khác. Bến xe tải có sức chứa 120 xe, kho hàng 2.000m2 phục vụ nhu cầu đỗ gửi xe hoạt động trên tuyến quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn và hoạt động vận tải của Ga Yên Viên. Bến xe khách có công suất đỗ 350 xe liên tỉnh và 30 xe buýt, sau khi hoàn thành sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng xe từ bến xe Gia Lâm và Lương Yên.

Bến còn bố trí chỗ nghỉ ngơi cho hành khách. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Dự kiến, bến xe Yên Thường hoạt động từ năm 2015.

Công bố quy hoạch đoạn tuyến đường sắt đô thị số 2

Ngày 10/5, Sở QH - KT Hà Nội phối hợp với các quận, huyện và Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội công bố, bàn giao hai hồ sơ.
Cụ thể: Quy hoạch mặt bằng tuyến cho phần đi ngầm Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tỷ lệ 1/500 và Chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị - hành lang an toàn đường sắt đô thị và Tim tuyến đường sắt đô thị đoạn tuyến trên cao Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tỷ lệ 1/500.
 
Đây là những căn cứ quan trọng để tiến hành cắm mốc giới trên thực địa và là căn cứ để chủ đầu triển khai dự án, chính quyền địa phương thực hiện quản lý theo quy hoạch. 
 
  Theo Báo KTĐT

Sẽ xây dựng 2 cây cầu vượt tại quận Hoàn Kiếm

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm về việc lập và thực hiện dự án xây dựng cầu vượt nhẹ bằng kết cấu thép có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (bắc qua đường Trần Quang Khải) và dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua đường Trần Nhật Duật (khu vực cổng trường tiểu học Trần Nhật Duật).

Trước đó, Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm đã có tờ trình UBND TP đề xuất triển khai 2 cầu vượt nói trên. Theo tờ trình, toàn bộ dọc hành lang tuyến đường Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải (dài hơn 2km) hiện chưa có cầu vượt dành cho người đi bộ cũng như cầu vượt cho các phương tiện cơ giới. Dọc tuyến tập trung rất nhiều khu dân cư, cơ quan, trường học… thường xuyên ùn tắc giao thông. Do đó, việc xây dựng cầu vượt trên tuyến là rất cần thiết. Dự kiến, công trình sẽ được triển ngay trong giai đoạn năm 2013-2014.

Hà Nội sắp có thêm công viên rộng 100.000m2

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013


UBND Hà Nội vừa cho thuê hơn 102.000m2 đất thuộc các phường Yên Hòa, Trung Hòa (quận Cầu Giấy) để nhà đầu tư xây dựng công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội.


Theo quyết định được ký vào cuối tháng 4 của UBND Hà Nội, phần lớn diện tích đất của dự án công viên hồ điều hòa (khoảng 99.000 m2) là đất nông nghiệp, đã được UBND quận Cầu Giấy ra quyết định thu hồi và hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Đối với gần 3.100 m2 còn lại, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi của 6 tổ chức sử dụng đất tại phường Yên Hòa và Trung Hòa. Thời hạn thuê đất là 50 năm.

 
Hà Nội sẽ có thêm công viên hồ điều hòa ở quận Cầu Giấy. Ảnh minh họa.
Hà Nội sẽ có thêm công viên hồ điều hòa ở quận Cầu Giấy. Ảnh minh họa.

Theo UBND Hà Nội, nhà đầu tư sẽ trả tiền thuê đất hàng năm. Đơn giá thuê được tính theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và UBND thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng công viên hồ điều hòa đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2010. Sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất ngoài thực địa, nếu nhà đầu tư không sử dụng đất, thành phố sẽ thu hồi đất đã cho thuê.

Khẩn trương về đích đúng hẹn các công trình giao thông trọng điểm

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội và vùng phụ cận đang được Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, phương tiện thi công nhằm rút ngắn tiến độ. Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được các cấp chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ để các dự án có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên: Phấn đấu vượt tiến độ


Những ngày này, công trường thi công dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (gói thầu PK2) đang vào giai đoạn nước rút. Không khí lao động trên công trường tấp nập, nào là máy lu nền đường, dây chuyền thảm bê tông át phan, cách đó không xa là công nhân đang chuẩn bị đổ bê tông mặt cầu. Với chiều dài khoảng 31km, rộng 34m, gói thầu PK2 nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thi công 6km từ Km 38 đến Km 44 và xây dựng 3 cầu thuộc địa bàn huyện Phổ Yên. Đến nay, đoạn này hoàn toàn không còn vướng mắc về GPMB, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào ngày 30-6 này. Đơn vị đã thi công xong nền đường và hệ thống cống thoát nước và thảm bê tông át phan được 2km. Về cầu, đã hoàn thành 2 cầu, cầu tại Km 42-827 trên tuyến chính đã đổ bê tông mặt cầu. Tổng Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành vượt kế hoạch từ 1 đến 2 tháng.

 

Khẩn trương thi công tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Khẩn trương thi công tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.


Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA 2 (Bộ GTVT), thời gian qua, chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng. PK2 là gói thầu đạt tiến độ tốt nhất của toàn dự án. Cho đến nay, tổng khối lượng công việc gói thầu đã hoàn thành 76%. Để sớm giải tỏa áp lực cho quốc lộ 3 cũ, Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu thi công gấp rút, đưa đoạn qua Thái Nguyên thông xe và khai thác trước ngày 30-6. Đoạn còn lại qua địa phận Hà Nội và Bắc Ninh sẽ thông xe vào cuối năm 2013. Thời gian còn lại không nhiều, chính vì vậy Ban QLDA 2 yêu cầu các nhà thầu tập trung với nỗ lực và nguồn lực cao nhất, thi công 3 ca, 4 kíp liên tục để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Đường Nhật Tân - Nội Bài: Chạy đua với thời gian

Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài dài 12,1km, bắt đầu tại Km 0+00, nút giao Nam Hồng, kết thúc tại Km12+100 (nút giao với quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài), theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2014. Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Ban QLDA 85 cho biết: công trình được chia làm 5 gói thầu xây lắp. Hiện nay, chỉ có gói thầu số 1 là tạm yên tâm vì khối lượng công việc đã đạt hơn 70%. Các gói thầu còn lại mới đạt khoảng 20%. Chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết và rút ngắn thời gian thi công đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang chạy đua với thời gian để gấp rút thi công. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, trong tổng diện tích cần GPMB khoảng hơn 128ha, các địa phương mới bàn giao được hơn 118ha. Diện tích còn vướng đa phần là đất thổ cư nên GPMB còn khó khăn.

Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Thời gian còn lại không nhiều, không còn cách nào khác, chủ đầu tư và các nhà thầu phải khẩn trương đẩy mạnh thi công, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rút ngắn thời gian hoàn thành dự án. Đây là đường nối từ sân bay quốc tế về Thủ đô, nên chất lượng và mỹ thuật phải tốt nhất. Dù rút ngắn tiến độ, không nhà thầu nào được lơi là chất lượng và mỹ thuật.

Được biết với dự án này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các huyện nơi dự án đi qua cũng như các sở, ngành liên quan và Ban chỉ đạo GPMB TP tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm vướng mắc, đặc biệt là về cơ chế, chính sách bồi thường, quỹ đất tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi dự án. Với quyết tâm cao từ phía cơ quan chức năng của TP Hà Nội và nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ GTVT, dự án sẽ về đích đúng hẹn.

Phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội huyện Chương Mỹ

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Chương Mỹ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Chương Mỹ trở thành huyện phát triển đô thị kết hợp với nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là vùng phát triển năng động của thành phố với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo, phát triển bảo đảm các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới.

Đến năm 2030, huyện Chương Mỹ có nền kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với hệ thống đô thị phát triển hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển các khu thương mại đầu mối kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây bắc.

Công bố quy hoạch phân khu Khu Liên hợp thể thao Quốc gia

Ngày 25/4, Sở QH - KT và UBND huyện Từ Liêm phối hợp tổ chức công bố, bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu Khu Liên hợp thể thao Quốc gia (LHTTQG) tỷ lệ 1/2000.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm trong ranh giới của Khu Liên hợp thể thao Quốc gia, huyện Từ Liêm với tổng diện tích gần 170,55ha. Các khu chức năng đã xây dựng và giữ nguyên theo quy hoạch được duyệt có tổng diện tích gần 38,2ha; các khu chức năng điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích gần 132.35ha, gồm đất các khu: Thể thao trong nhà, đua xe đạp lòng chảo, thể thao dưới nước, Bệnh viện Thể thao Việt Nam...
Theo Báo KTĐT

Lập quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ tại Hà Nội

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 2643/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, TP giao Sở GTVT lập quy hoạch với yêu cầu phải đáp ứng được nhu cầu đỗ xe của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH, bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc và phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch phải kết hợp và khai thác tốt hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt là giao thông kết nối với các tỉnh lân cận và liên kết với các loại hình vận tải đô thị. Đồng thời xác định rõ quỹ đất, quy mô, hình thức xây dựng; bảo đảm các tiêu chí về điều kiện đất đai, khoảng cách kết nối với hạ tầng quốc gia…

Theo KTĐT.

Hà Nội 'giải cứu' các điểm ngập nội đô trên một số tuyến đường

Trước mùa mưa 2013, Hà Nội đang thi công quyết liệt để hoàn thành nâng cấp hàng loạt tuyến cống ngầm trong khu vực nội thành. Nếu về đích đúng hẹn, nhiều điểm úng ngập cục bộ tồn tại từ nhiều năm nay sẽ được xử lý dứt điểm.
Ngay trong đợt mưa đầu tháng 4/2013, nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Không ít ô tô, xe máy bị ngâm trong nước, phải chờ xe cứu hộ đến kéo đi sửa.

Điển hình là đường Nguyễn Khuyến, cả tuyến đường bị nhấn chìm trong biển nước. Mọi ngõ ngách cũng bị úng ngập khiến nhiều nhà dân bị cô lập. Trên phố Tống Duy Tân, đường Điện Biên Phủ không thoát khỏi cảnh ngập úng, mặc dù nhân viên công ty thoát nước luôn trực sẵn ở đây để khai thông dòng chảy.
 
 
 
Thi công chống ngập ở phố Lò Đúc.


Trong khi đó, việc cải tạo cống ngầm trên tuyến phố nội đô như Lò Đúc, Đào Duy Anh..., kéo dài nhiều tháng nay làm ảnh hưởng lớn đến dòng chảy và đời sống của người dân.

“Chỉ cần trận mưa nhỏ, nước và bùn đã ngập ngụa khắp tuyến đường. Mỗi lần ô tô lao qua làm bắn tung tóe khắp cửa nhà dân. Nhà mặt đường nên tôi phải đóng cửa suốt ngày để tránh bụi, tránh bùn”, ông Bình nhà ở Lò Đúc phản ánh.

Cty Thoát nước Hà Nội dự báo: năm nay lượng mưa sẽ lớn hơn mức trung bình hàng năm và tập trung vào đầu mùa. Đặc biệt, công ty vẫn lo ngại nhất các điểm đen ở khu vực Tân Mai, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) do đây là vùng trũng và hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện.

Để giải thoát nước những điểm ngập úng, ngoài việc cải tạo các trục thoát nước, vào những ngày mưa, Cty Thoát nước sẽ tăng cường các máy bơm di động, cử nhân viên ứng trực ở các hố ga khơi thông dòng chảy.

Vừa qua Hà Nội đã xóa bỏ được 3 điểm đen thường xuyên ngập úng đó là ngã ba Ngô Thì Nhậm- Nguyễn Công Trứ, đường Thái Thịnh, phố Khâm Thiên.

Tuy nhiên, Hà Nội lại phát sinh 2 điểm mới trên đường Nguyễn Xiển và Phạm Văn Đồng. Trong mùa mưa năm ngoái (2012), dọc tuyến đường Nguyễn Xiển đến Phạm Văn Đồng thường xuyên bị ngập úng kéo dài. Nhiều hầm đường bộ xuyên qua tuyến đường này phải đóng cửa vì bị ngâm nước.

Đến nay, hệ thống thoát nước của tuyến đường Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng vẫn chưa được bàn giao cho Cty Thoát nước nên chưa có đơn vị chuyên môn quản lý khắc phục những tồn tại trong năm qua.

Cty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, việc cải tạo hệ thống cống ngầm trên tuyến phố Lò Đúc cũng như hàng loạt các phố khác trong khu vực nội thành thuộc gói thầu số 9 của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II.

Trong khuôn khổ dự án, Hà Nội sẽ cải tạo cống ngầm tại 44 tuyến phố thuộc nội thành. Khảo sát trước đó cũng như thực tế thi công cho thấy, việc cải tạo hệ thống cống là bắt buộc bởi hầu hết đều đã xuống cấp nghiêm trọng sau gần 100 năm sử dụng.

Nhiều đoạn cống đã nứt, lún, sụt, cản trở dòng chảy, không thể tiêu thoát nước kịp khi xảy ra mưa lớn nên dễ gây ngập úng cục bộ. Hiện nay, các đơn vị thi công đang cùng lúc triển khai trên một số tuyến phố như Phó Đức Chính, Tạ Hiện, Lê Trọng Tấn, Lĩnh Nam và Lò Đúc.

Còn theo Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội hiện nay, đã hoàn thành cải tạo 15 tuyến cống trên các phố Lạc Trung, Trần Khát Chân, Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm, Thái Thịnh, Chùa Vua, Thịnh Yên...

Do vậy, một số “điểm đen” úng ngập ở nội thành từ nhiều năm nay trên phố Thái Thịnh, Lê Trọng Tấn... sẽ được khắc phục.

“Trong danh mục 44 tuyến phố cần cải tạo cống ngầm, còn 16 tuyến trong khu phố cổ. Đây đều là các tuyến phố ngắn nên thời gian thi công chỉ cần khoảng 10 ngày”, lãnh đạo Ban Quản lý thoát nước cho biết.
 
 
Theo tính toán của Cty Thoát nước Hà Nội, nếu mưa trên 100 mm/h, địa bàn thành phố sẽ có 20 điểm đen bị ngập úng gồm các điểm giao cắt Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Tôn Đản - Lê Lai, Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh, Điện Biên - Nguyễn Tri Phương, Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Thái Hà - Tây Sơn, Bà Triệu - Nguyễn Du, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các phố Lê Duẩn (trước cửa ga Hà Nội), Đội Cấn, Trương Định (ngõ 521 đến cầu Sét), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Giải Phónag, Nguyễn Khuyến, Quán Thánh, Ngọc Khánh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Xiển, Phạm Văn Đồng.
 
 
 
 
Theo Tiền phong

Điều chỉnh quy hoạch Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây

Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý phương án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây.

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng trao đổi thống nhất với nhà đầu tư giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Xây dựng chỉ đạo, giám sát UBND thành phố Hà Nội trong việc lập quy hoạch xây dựng trụ sở các cơ quan Trung ương tại Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong khu vực.
 
 
 
Phối cảnh Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây.


Theo quy hoạch chung của TP. Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Tây Hồ Tây được quy hoạch thành một khu đô thị với đầy đủ các chức năng đa dạng, như văn hóa, hành chính, giáo dục, thương mại, tài chính, dịch vụ quốc tế, nhà ở... và sẽ là nơi đặt trụ sở của một số bộ, ngành (sau khi được di dời khỏi khu vực nội đô).

Khu vực trung tâm của Dự án sẽ tạo dựng một trục không gian mở gắn kết với không gian mặt nước Hồ Tây được hình thành bởi các công trình văn hóa, cơ quan hành chính, quảng trường, cây xanh, mặt nước... nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc của khu vực phía Tây Hồ Tây.

Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây có vị trí đắc địa ở khu vực phía Tây Hà Nội, có sự kết nối với một loạt dự án trọng điểm của thành phố, như đường nối cầu Nhật Tân - Sân bay quốc tế Nội Bài, Dự án Nhà ga T2, Dự án Đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, cầu Nhật Tân... Do đó, Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt cảnh quan và diện mạo kiến trúc của khu vực phía Tây TP. Hà Nội.

Dự án hoàn thành sẽ kiến tạo cho Thủ đô Hà Nội một khu đô thị mới hiện đại, phát triển, đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với các công trình kiến trúc hiện đại, cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường, đồng thời phát triển thành một khu trung tâm hành chính, kinh tế của Việt Nam kết nối với khu vực Đông Nam Á.
Theo Chinhphu.vn

900 triệu đồng cho đề án khuyến khích xe đạp ở Hà Nội

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Giữa tháng 4, Sở Công thương trình UBND TP Hà Nội đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường.

Cơ quan này kiến nghị thành phố hỗ trợ vay 900 triệu từ Quỹ xúc tiến thương mại để khảo sát thực trạng sản xuất xe đạp của các doanh nghiệp, phân tích lợi ích của việc sử dụng; tổ chức triển lãm nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng; đề xuất các giải pháp phát triển trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, ôtô, xe máy tăng nhanh trong đô thị đang đe dọa nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, gây khó khăn cho việc quy hoạch phát triển giao thông, môi trường đô thị ngày một ô nhiễm. Do vậy, đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Xe đạp thích hợp với những người đi cự ly 2-3 km. Ảnh: Hoàng Hà.
Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, sử dụng xe đạp đại trà có thể giảm ô nhiễm môi trường song không thể giảm ùn tắc. "Trên phố có nhiều người đi xe đạp nghênh ngang, đạp xe chậm chạp càng làm tắc đường. Nếu tăng người sử dụng xe đạp thì nguy cơ ùn tắc ngày càng cao. Tôi ủng hộ phương án sản xuất và lưu thông xe đạp điện hơn", ông Liên nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, những nước tiên tiến đã áp dụng giải pháp đi xe đạp, nhưng do đường sá của họ rất rộng, có làn riêng cho xe đạp, cho người đi bộ, xe máy. Còn áp dụng tại Hà Nội thì không khả thi. Hơn nữa, chiến lược phát triển giao thông đô thị của Hà Nội là vận tải hành khách công cộng như xe buýt nhanh, đường sắt đô thị… chứ không phải xe đạp.
"Sở Công thương khuyến khích người dân đi xe đạp nhằm kích cầu đối với ngành công nghiệp sản xuất phương tiện này chứ không nhằm thay đổi hiện trạng giao thông. Doanh nghiệp thủ đô phải phấn đấu làm hàng chất lượng cao, hiện đại chứ không nên sản xuất xe đạp, quạt điện...", ông Liên thẳng thắn.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ (ĐH Giao thông Vận tải) cũng cho rằng, xe đạp chỉ phù hợp với một số cán bộ viên chức không phải di chuyển nhiều với khoảng cách khoảng 3-5 km. Việc đi xe đạp có ý nghĩa nhiều hơn về mặt môi trường, còn về giảm ùn tắc thì khó đạt được vì diện tích sử dụng lòng đường của xe đạp cũng xấp xỉ xe máy.
"Để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp thì cần có làn đường riêng, nhưng trong bối cảnh lòng đường Hà Nội hẹp như hiện nay thì điều này là rất khó", ông Nguyễn Quang Toản nhận xét.
Một lãnh đạo quản lý giao thông Hà Nội cũng cho rằng, mục tiêu của đề án hướng tới sử dụng phương tiện sạch, tiết giảm chi phí môi trường, tăng cường sức khỏe cho người dân là rất tốt. Tuy nhiên, với điều kiện giao thông tại Hà Nội hiện nay, với lượng xe máy, ôtô lưu thông rất lớn thì đưa xe đạp vào hoạt động sẽ không đảm bảo an toàn.
"Trên thế giới, không có nước nào cho phép xe thô sơ lưu thông với xe cơ giới, nhiều nước có làn đường dành riêng cho xe đạp và khuyến khích người dân đi lại bằng xe đạp để tăng cường sức khỏe chứ không sử dụng là phương tiện đi lại chính", nhà quản lý này nói và cho rằng với hạ tầng giao thông Hà Nội, rất khó để làm làn riêng cho xe đạp bởi diện tích mặt đường hẹp, nhiều giao cắt. Ngay loại phương tiện cần ưu tiên là xe buýt hiện vẫn chưa có nhiều đường dành riêng.
"Mục đích của đề án sử dụng xe đạp là tốt, song thời điểm hiện nay, điều kiện hạ tầng của Hà Nội là chưa phù hợp", vị chuyên gia giao thông khẳng định.
Theo Vnexpress.net

Phê duyệt chỉ giới đỏ đường Xuân Diệu

UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đỏ tuyến đường Xuân Diệu (quận Tây Hồ), tỷ lệ 1/500. Theo đó, tuyến dài 1.100m, điểm đầu giao đường Âu Cơ, điểm cuối giao đường Nghi Tàm, mặt cắt ngang của tuyến được chia làm 5 đoạn, từ 17,5m đến 20,5m, mở rộng trên cơ sở đường hiện có, trong đó lòng đường rộng 10,5m, hè rộng 5m…

Các nút giao với đường Âu Cơ và Nghi Tàm được tổ chức giao bằng, sẽ xác định cụ thể theo thiết kế dự án. Một số đường ngang như đường Tây Hồ, Đặng Thai Mai… được tổ chức giao bằng, chỉ giới đỏ tại các vị trí giao cắt có thể được điều chỉnh nhỏ hơn, bổ sung khi lập quy hoạch chi tiết và dự án xây dựng khu vực hai bên đường. UBND quận Tây Hồ phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới theo chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc và quản lý mốc giới trên thực địa; công bố cho cơ quan, nhân dân biết.

 

Công bố thông tin Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của TP Hà Nội

Ngày 09/01/2013 Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 06/NQ-CP về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của thành phố Hà Nội.

Chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội đến năm 2020 được Chính phủ xét duyệt như sau:

1. Diện tích, cơ cấu các loại đất:

Diện tích Thành phố xác định (ha): Diện tích chênh lệch tăng, giảm so với Quốc gia phân bổ (ha)

2. Phân bổ diện tích các loại đất trong kỳ kế hoạch (2011 - 2015): Đơn vị tính: ha


Toàn văn Nghị quyết được đăng tải tại website: http://www.chinhphu.vn

Căn cứ Nghị Quyết số 06/NQ-CP, Thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 31/01/2013 về việc triển khai thực hiện Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015), đồng thời ban hành Quyết định số 695/QĐ-UBND ngày 01/02/2013 về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) thành phố Hà Nội cho Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các quận, huyện, thị xã.

Theo Kế hoạch, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn (2011-2020) và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của địa phương, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường (Thường trực Hội đồng thẩm định) thẩm định và trình HĐND cùng cấp thông qua, làm cơ sở trình UBND Thành phố xét duyệt trong tháng 7/2013.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an Thành phố Hà Nội có trách nhiệm lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn (2011-2020) và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) trên địa bàn Thành phố sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Chính phủ

Hà Nội dành gần 600 tỷ đồng để chỉnh trang đô thị

UBND TP. Hà Nội vừa duyệt chi cho 30 danh mục dự án chỉnh trang đô thị giai đoạn 3 năm 2013-2015 với tổng kinh phí dự kiến là 599 tỷ đồng, không phải xây mới mà chủ yếu dùng để đào xới vỉa hè, sắp xếp lại các công trình hạ tầng để chỉnh trang các tuyến phố.

Một số dự án có thể kể ra như: dự án chỉnh trang tuyến đường Tế Tiêu đi Hương Sơn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tuyến phố Chu Văn An, tuyến phố Chùa Bộc–Thái Hà, sắp xếp đi nổi các đường dây cáp điện lực, thông tin viễn thông kết hợp quảng cáo tuyên truyền tuyến Chùa Bộc - Thái Hà theo hình thức xã hội hoá, cải tạo nâng cấp tuyến đường từ ngã năm thị trấn Yên Nghĩa đi Hợp Thành, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật tuyến đường 430 quận Hà Đông, đầu tư xây dựng một số nhà vệ sinh công cộng khu vực TP Hà Nội….
 
 
 
Ảnh minh họa.

UBND TP yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố về quản lý đầu tư xây dựng công trình và chất lượng công trình, sử dụng kinh phí một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Chịu trách nhiệm phê duyệt tất cả các dự án nhóm A, B thuộc chương trình sẽ do UBND TP quyết định. Còn quyết định đầu tư các dự án nhóm C đã được ủy quyền cho Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tham gia vào khâu quyết định với các dự án không do hai Sở trên quyết định.
 
 
Theo Báo KTĐT.

Phê duyệt quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

 

Theo Quy hoạch Hà Nội có 24 nhà máy nước mặt và nước ngầm - Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi nghiên cứu Quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 có mở rộng ra vùng phụ cận Thủ đô Hà Nội.
Phạm vi lập quy hoạch gồm các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn lân cận kết hợp với cấp n­ước đô thị thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch nhằm xác định nhu cầu sử dụng nước sạch, phương án cấp nước, phát triển hệ thống cấp nước và nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn. Khai thác hợp lý các nguồn nước (nước ngầm, nước mặt).
Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đến năm 2020 đối với đô thị trung tâm nội đô đạt 100% (một số khu vực phát triển mới thành lập từ huyện tỷ lệ đạt 95 - 100%); đối với các đô thị vệ tinh đạt 90 - 95%; đối với đô thị sinh thái đạt 85 - 90%. Giai đoạn đến năm 2030, đối với các đô thị trung tâm là 100%; đối với các đô thị vệ tinh đạt 100% và đối với đô thị sinh thái đạt 95 - 100%; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 đạt 22 - 27%; đến năm 2030 đạt dưới 20%.
Hà Nội có 24 nhà máy nước mặt và nước ngầm
Theo Quy hoạch, Hà Nội có 24 nhà máy nước mặt và nước ngầm, trong đó có 3 nhà máy nước mặt là Nhà máy nước Sông Đà; nhà máy nước Sông Hồng; nhà máy nước Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) với tổng công suất đến năm 2020 là 1.140.000 m3/ngày đêm.
21 nhà máy nước ngầm gồm 11 nhà máy trong khu trung tâm (8 quận nội thành cũ) như: Nhà máy nước Yên Phụ; Ngô Sỹ Liên; Lương Yên; Ngọc Hà;... Ngoài ra có 2 nhà máy nước ngầm ở khu vực Vành đai 3-4, phía Nam sông Hồng; 2 nhà máy ở khu vực phía Sơn Tây. Còn khu vực phía Bắc và phía Đông Hà Nội mỗi khu vực có 3 nhà máy nước ngầm.
Tổng công suất các nhà máy nước ngầm đến năm 2020 là 623.500 m3/ngày đêm.
Một số nguồn nước ngầm phía Nam Hà Nội có chất lượng xấu sẽ giảm dần công suất khai thác và ngừng hoạt động vào năm 2020 đối với Nhà máy nước Hạ Đình và năm 2030 đối với Nhà máy nước Tương Mai, Nhà máy nước Pháp Vân. Thay thế nguồn nước ngầm này là nguồn nước mặt lấy từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Khái toán kinh phí đầu tư thực hiện Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 72.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, đầu tư các nhà máy nước ngầm, Nhà máy nước Sông Hồng, Nhà máy nước Sông Đuống giai đoạn I và II, Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn II và mạng lưới đường ống cấp nước khoảng 50.000 tỷ đồng.
Theo : chinhphu.vn

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các Dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 534/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh công tác GPMB phục vụ thi công các Dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội.
Công điện nêu rõ, hiện nay, Dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên; Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Dự án đường nối Nhật Tân - Sân bay Nội Bài; Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu đang có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ do chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng.
Để đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để giải quyết dứt điểm công tác GPMB, tái định cư của các Dự án trên.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái lấn chiếm tại những vị trí đã bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong công tác GPMB và chỉ đạo việc thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Theo Bộ GTVT

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo kiểm tra Dự án đường sắt đô thị

Sáng 17/4, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP đã kiểm tra thực địa và làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) về tình hình triển khai Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3). Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của TP.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo trao đổi với các Nhà thầu

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo và đoàn công tác đã kiểm tra thực địa tại 2 gói thầu: gói số 4 về hạ tầng kỹ thuật đề pô và gói thầu số 5 các công trình kiến trúc đề pô, đây là 2 gói quan trọng đã triển khai trong tổng số 9 gói thầu xây lắp và thiết bị của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm tuyến số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội. Tuyến đường sắt đô thị này có chiều dài 12,5 km, trong đó, đoạn ngầm dài khoảng 4 km. Hiện nay, tổng mức đầu tư của Dự án đang được xem xét, điều chỉnh từ hơn 18 nghìn tỷ đồng lên hơn 32 nghìn tỷ đồng. Về tiến độ triển khai, Tổng công ty Vinaconex, nhà thầu thi công gói thầu số 4 khẳng định, đến tháng 6/2013 sẽ hoàn thành xây lắp hạ tầng kỹ thuật Đề pô và đến tháng 8 hoàn thành các thủ tục thanh quyết toán công trình. Tuy nhiên, gói thầu số 5 được giao cho nhà thầu là Tổng công ty xây dựng Hà Nội đang triển khai rất chậm so với tiến độ.

Theo báo cáo của Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, sau gần 3 tháng kể từ ngày khởi công, tháng 1/2013 đến nay, nhà thầu gói số 5 triển khai công việc theo hợp đồng rất chậm, các hồ sơ nhà thầu trình phải sửa chữa nhiều, các vị trí nhân sự không đáp ứng yêu cầu đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Lý giải về sự chậm trễ này, đại diện Tổng công ty xây dựng Hà Nội cho biết nguyên nhân là do phải khắc phục một số khó khăn ban đầu khi tiếp cận dự án và cam kết từ 25/4/2013 sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công liên tục. Theo cam kết, nếu từ nay đến tháng 8/2013, nhà thầu không hoàn thành nhiệm vụ thi công trên phần mặt bằng đã được bàn giao thì sẽ phải bồi thường hợp đồng lên đến 17,4 tỷ đồng. Thời gian thi công của gói thầu số 5 các công trình kiến trúc Đề pô là 61 tháng kể từ ngày khởi công tức là sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Những khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường sắt đô thị đang triển khai trên địa bàn huyện Từ Liêm cũng được đưa ra trao đổi và xác định rõ hơn trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp giữa các sở ngành thành phố với huyện nhằm đẩy nhanh tiến độ. Cũng tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã thông tin về tình hình triển khai 8 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố và giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị trong việc đôn đốc, giám sát, phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải và Nhà tư vấn đảm bảo tiến độ thực hiện các gói thầu của Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – Ga Hà Nội. Đồng thời, đề nghị các nhà thầu thi công thực hiện đúng cam kết hợp đồng.
Qua nghe các ý kiến trao đổi và kiểm tra thực địa, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ghi nhận việc tổ chức thực hiện các dự án đường sắt đô thị đã dần đi vào khuôn khổ, đảm bảo theo đúng chủ trương. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm. Chia sẻ với chủ đầu tư và các nhà thầu về những khó khăn khách quan, cụ thể như đường sắt đô thị là lĩnh vực mới nên nhiều vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện, cần thời gian tháo gỡ như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, nguồn lực khoa học kỹ thuật. Song Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng thẳng thắn chỉ rõ những nguyên nhân do chủ quan cần được khắc phục ngay. Đó là sự thiếu tập trung trong chỉ đạo điều hành, còn lúng túng trong tổ chức thực hiện, thiếu sự gắn kết giữa các đơn vị liên quan, nhất là thủ tục thanh quyết toán công trình.
   
Chính vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành, để đảm bảo tiến độ đề ra, từng bước đưa các dự án đường sắt đô thị vào sử dụng. Huy động mọi nguồn lực, điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị đã khởi công. Trong đó, đề nghị Ban Quản lý Đường sắt đô thị có trách nhiệm đôn đốc các nhà tư vấn đẩy nhanh tiến độ thiết kế kỹ thuật và lập dự toán cũng như việc điều chỉnh dự toán. Sở GTVT và các Nhà tư vấn có trách nhiệm phối hợp chủ động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trình Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng phê duyệt. Đối với Sở KH&ĐT, khẩn trương xem xét, trình thành phố phê duyệt trong tháng 4 việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, làm cơ sở tiến hành thương thảo vay thêm các nhà tài trợ và phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đấu thầu các gói thầu khác. Đồng thời, Ban Quản lý Đường sắt đô thị phải chủ động xây dựng lộ trình xin vốn đối ứng hàng năm để Sở KH&ĐT và Sở Tài chính tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt, xác định các nguồn vốn.

Để khắc phục những bất cập trong tư vấn và đẩy nhanh tiến độ tổ chức đấu thầu, Chủ tịch thành phố yêu cầu tăng cường cải cách hành chính trong trình tự thủ tục đấu thầu, đảm bảo công khai minh bạch. Ban chỉ đạo giải GPMB, huyện Từ Liêm phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng và linh hoạt trong vận dụng các cơ chế chính sách. Để đảm bảo tiến độ thi công theo đúng cam kết, Chủ tịch thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm các chế tài xử lý nếu nhà thầu vi phạm tiến độ. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà thầu phải bám sát định mức, quy định tài chính, các đơn vị liên quan cần có sự linh hoạt trong vận dụng các quy định hiện hành trong giải ngân, thanh quyết toán.

Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin xử lý xe không chính chủ

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Trao đổi nhanh với phóng viên ngày 15/4, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an TP khẳng định: "Lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, điều khiển giao thông trên đường chỉ xử lý những lỗi vi phạm giao thông và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trong thời gian này không được phép hỏi và kiểm tra, xử lý lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đối với người tham gia giao thông. Việc xử phạt lỗi "không chính chủ" do các điểm đăng ký phương tiện và các đơn vị phụ trách điều tra các TNGT sẽ truy nguồn gốc phương tiện và ra quyết định xử phạt".

Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, để tạo điều kiện cho người dân trong thời gian cao điểm làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện, Phòng CSGT đã yêu cầu tại các điểm đăng ký trên toàn TP phải tăng cường cán bộ làm công tác tiếp dân, trích dẫn quy định và dán thông báo, hướng dẫn công khai cho nhân dân được biết.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký xe, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện nếu thấy thiếu thủ tục giấy tờ thì cán bộ chiến sĩ  phải hướng dẫn người dân để bổ sung những giấy tờ còn thiếu, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần. Người dân có thể phản ánh về Phòng CSGT các việc làm chưa đúng của cán bộ chiến sĩ CSGT hoặc những bất cập về những công tác liên quan qua đường dây nóng 04.39424451. 



                                                                                                                                          Theo Báo KTĐT.

Tổ chức hướng dẫn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua tuyến phố Cao Bá Quát (đoạn từ phố Hoàng Diệu đến phố Lê Duẩn)


(29-3-2013)
Căn cứ hiện trạng giao thông tại khu vực, Sở GTVT Hà Nội có Quyết định số 682/QĐ-SGTVT ngày 29/03/2013 về việc tổ chức hướng dẫn giao thông cho các phương tiện lưu thông qua tuyến phố Cao Bá Quát (đoạn từ phố Hoàng Diệu đến phố Lê Duẩn), cụ thể như sau:
- Tổ chức giao thông cho xe con, xe máy, xe thô sơ (cấm xe tải, xe khách) lưu thông hai chiều trên phố Cao Bá Quát: đoạn từ phố Hoàng Diệu đến phố Lê Duẩn. Cấm các phương tiện đỗ xe trên đoạn phố, (xe buýt được phép hoạt động).
- Tại nút giao Lê Duẩn - Điện Biên Phủ: Cấm ô tô từ phố Lê Duẩn rẽ trái về đường Điện Biên Phủ. Ô tô từ phố Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát đi phố Trần Phú theo hướng: Hoàng Diệu đến nút giao Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ rẽ phải đi theo đường Điện Biên Phủ đi Trần Phú.
Thời gian thực hiện từ 01 tháng 4 năm 2013.

Theo SGTVT Hà Nội

Công bố quy hoạch phân khu N4, N9 huyện Đông Anh tỷ lệ 1/5000


Sáng 15/4, UBND huyện Đông Anh, UBND huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tổ chức lễ công bố quy hoạch phân khu đô thị N4, N9 tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Đông Anh và Gia Lâm.

Phối cảnh quy hoạch phân khu đô thị N4

Quy hoạch phân khu đô thị N4 nằm phía Tây Bắc đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội, thuộc địa giới hành chính các xã Đại Mạch, Võng La, Kim Chung, Kim Mỗ, Hải Bối, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Diện tích nghiên cứu khoảng 2085,64 ha. Dân số đến năm 2030 ước khoảng 188.900 người, dân số tối đa đến năm 2050 ước khoảng 220.000 người.

Phân khu N4 là một phần đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng; khu vực đô thị phát triển mới của Thành phố trung tâm kết hợp cải tạo chỉnh trang khu vực hiện có; là trung tâm thương mại khu vực Bắc Hà Nội; khu công nghiệp sạch, đa ngành, kỹ thuật cao; khu làng xóm đô thị hóa, khu đô thị mới, khu nhà ở phục vụ khu công nghiệp; đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đầu mối giao thông của Thành phố. Phân khu đô thị N4 chia thành 08 khu quy hoạch bao gồm 18 ô quy hoạch và đường giao thông để kiểm soát phát triển.
Phối cảnh quy hoạch phân khu đô thị N9

Quy hoạch phân khu đô thị N9 nằm phía Đông Bắc đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội, thuộc địa giới hành chính thị trấn Yên Viên, các xã Yên Viên, Yên Thường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Dương Hà, Phù Đổng – huyện Gia Lâm và các xã Dục Tú, Xuân Canh, Mai Lâm, Đông Hội – huyện Đông Anh. Tổng diện tích đất nghiên cứu lập quy hoạch  khoảng 2.290 ha, trong đó, đất xây dựng trong phạm vi dân dụng 1969,05 ha; đất xây dựng ngoài phạm vi dân dụng 320,95 ha. Dân số đến năm 2030 khoảng 180.000 người, dân số tối đa đến năm 2050 khoảng 200.000 người. Phân khu đô thị N9 chia thành 07 khu quy hoạch bao gồm 28 ô quy hoạch và đường giao thông để kiểm soát phát triển.

Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội

Hà Nội sử dụng vé điện tử thông minh cho xe buýt

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

UBND TP Hà Nội đã đồng ý phương án triển khai thực hiện thí điểm hệ thống vé điện tử thông minh cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP trên cơ sở đã giao Sở GTVT thực hiện giai đoạn 1.

 
Ảnh minh họa. (Ảnh internet)
 
 Theo đó, với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc chỉ định đơn vị tư vấn Công ty Cổ phần phần mềm Tự động hóa điều khiển (CADPRO) hỗ trợ cho Sở Giao thông Vận tải trong việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, lắp đặt, tích hợp với các chương trình quản lý, vận hành giao thông công cộng của TP. 
 
Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận sử dụng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 1 do JICA tài trợ không hoàn lại đúng mục đích, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, sử dụng công nghệ tiên tiến.
 
Báo KTĐT

Hà Nội phê duyệt quy hoạch hàng loạt các phân khu đô thị

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch hàng loạt các phân khu đô thị.
Các quy hoạch được phê duyệt gồm: phân khu đô thị N2, tỷ lệ 1/2000, huyện Mê Linh; quy hoạch phân khu đô thị N3, tỷ lệ 1/5.000, tại thị trấn Quang Minh, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh và xã Nam Hồng, huyện Đông Anh; quy hoạch phân khu đô thị GN(A), tỷ lệ 1/5000 thuộc địa giới hành chính các xã: Cổ Loa, Xuân Canh, Mai Lâm, huyện Đông Anh.

Quy hoạch phân khu đô thị N2, tỷ lệ 1/2000, huyện Mê Linh thuộc địa giới hành chính các thị trấn: Quang Minh, Chi Đông và các xã Thanh Lâm, Kim Hoa, huyện Mê Linh với quy mô khoảng 703,63ha; dân số đến năm 2030 khoảng 2.000 người, và đến năm 2050 dân số tối đa khoảng 2.300 người; khu vực nhà ở cho công nhân thuê (lưu trú không thường xuyên) khoảng 12.000 công nhân.

Phân khu đô thị này là một phần đô thị trung tâm trong chuỗi các đô thị phía Bắc sông Hồng; là khu công nghiệp sạch đa ngành và đây cũng là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với hệ thống công trình đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và thành phố Hà Nội.

Về phân kỳ đầu tư, xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: Cải tạo, hoàn chỉnh, xây dựng mới các khu vực Khu công nghiệp Quanh Minh 1; Khu Nhà ở cho công nhân thuê; Khu dân cư hiện có; Khu cây xanh phía Bắc Khu công nghiệp; Ga Thạch Lỗi và đường sắt Hà Nội - Lào Cai; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ, điều hành Khu công nghiệp Quang Minh 2; hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Việc quản lý quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng đô thị cần tuân thủ quy hoạch và “Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị N2, tỷ lệ 1/2000” được ban hành kèm theo hồ sơ quy hoạch này. Ngoài ra còn phải tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành. Việc điều chỉnh, thay đổi, bổ sung quy hoạch phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai quy hoạch xây dựng có thể áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm nước ngoài và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
 
Phân khu đô thị N3, tỷ lệ 1/5.000 huyện Đông Anh có diện tích khoảng 881ha, dân số khoảng 85.000 người; là một phần đô thị trung tâm trong chuỗi các đô thị phía Bắc sông Hồng. Đây là đô thị cửa ngõ phía Bắc của thành phố Hà Nội với khu đô thị hỗn hợp đa chức năng gồm: Trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế, tài chính; cơ quan văn phòng, dịch vụ đô thị; trung tâm văn hóa, y tế; làng xóm đô thị, khu nhà ở mới chất lượng cao…

Do phần lớn quỹ đất thuộc phân khu đô thị nằm trong quy hoạch xây dựng đợt đầu nên các dự án được phải triển khai ở giai đoạn sau như: Các cơ sở công nghiệp, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp không phù hợp với quy hoạch phân khu này, dần từng bước chuyển đổi chức năng cho phù hợp. Các nội dung sử dụng đất của quy hoạch xây dựng đợt đầu phải tuân thủ các yêu cầu như đã xác định đối với quy hoạch dài hạn.

Các dự án hạ tầng xã hội và đô thị được ưu tiên đầu tư như: Các dự án xây dựng công trình công cộng, thương mại, dịch vụ và dự án phát triển các khu đô thị mới làm động lực phát triển cho khu đô thị, đồng thời ưu tiên cho các nhu cầu di dân và giãn dân tại chỗ.

UBND huyện Đông Anh và Mê Linh có trách nhiệm tổ chức công khai Quy hoạch phân khu đô thị N3 và Quy định quản lý được duyệt để tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện; Chủ tịch hai huyện này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
 
Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì phân khu đô thị GN(A) được xác định là không gian xanh ngăn cách các đô thị với các chức năng chính. Đây là trung tâm văn hóa kết nối trục không gian văn hóa Hồ Tây - Cổ Loa; bảo tồn, cải tạo và nâng cấp các làng mạc hiện hữu, bảo đảm đặc trưng không gian xanh; bảo tồn tôn tạo di tích Cổ Loa, các di sản và giá trị văn hóa truyền thống… Là vùng sinh thái chuyển tiếp giữa nội đô và vùng phát triển đô thị. Có các khu chức năng vui chơi giải trí; trung tâm dịch vụ công cộng, các khu chức năng đô thị, khu thể thao, khu vui chơi giải trí của thành phố gắn với vùng cảnh quan chung sông Hồng.

Quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 636ha với dân số khoảng 10.000 người. Thời gian lập quy hoạch phân khu trong vòng 9 tháng. Mục tiêu rà soát, khớp nối các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư có liên quan; xác định cụ thể phạm vi, ranh giới, diện tích, quy mô đất đai, dân số và các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị; xác định khung kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xác định các khu vực bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới và chuyển đổi chức năng sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chuyên ngành liên quan… và tuân thủ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn thiết kế về quy hoạch xây dựng; xác định các nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đối với các khu chức năng các không gian đặc trưng và cấu trúc đô thị tại khu vực lập quy hoạch phân khu, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững; đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện.
 
Đồng thời, đề xuất quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu, làm cơ sở lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, các quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư theo quy định, để các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
 
                                                                                                                                                 Báo KTĐT.

Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị N1

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1911/QĐ-UBND về việc Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính thị trấn Quang Minh, các xã Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Văn Khê, Mê Linh, Tráng Việt, Tiền Phong huyện Mê Linh và xã Đại Mạch của huyện Đông Anh.
Phân Khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 có diện tích đất nghiên cứu khoảng 2.343.64 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 170.000 người; có ranh giới phía Đông Bắc, Đông và Nam giáp hành lang xanh đầm Tiền Phong - đầm Vân Trì - sông Thiếp, phía Tây Bắc giáp đường Vành đai 4, phía Tây Nam giáp đê sông Hồng và hành lang xanh.

Đây là đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc thuộc Đô thị Trung tâm thành phố Hà Nội và là Trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Bắc Hà Nội, là Trung tâm thương mại, dịch vụ, quản lý đô thị Mê Linh - Đông Anh.

UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp UBND huyện Đông Anh, Mê Linh tổ chức công khai Quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 để các tổ chức, cơ quan và nhân dân được biết, kiểm tra giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
 
 
                                                                                                                                             Báo KTĐT.

Quy hoạch bến xe Yên Thường có diện tích gần 100.000m2

UBND TP Hà Nội vừa giao huyện Gia Lâm cùng với Sở Quy hoạch Kiến trúc và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết bến xe Yên Thường (huyện Gia Lâm).
Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch của bến xe Yên Thường là 98.842m2. Cụ thể, khu vực bến xe tải, xe khách, xe buýt và khu dịch vụ bến xe Yên Thường bao gồm các khu chức năng: Đất khu bến xe tải 19.695m2, chiếm tỷ lệ 19,9%; đất khu bến xe khách liên tỉnh, xe buýt 35.419m2, chiếm tỷ lệ 35,8%; đất khu dịch vụ bến xe 19.088m2, chiếm tỷ lệ 19,3%; đất cây xanh tập trung 9.141m2, chiếm tỷ lệ 9,25; đất cây xanh cách ly 690m2, chiếm tỷ lệ 0,8%; đất đường giao thông 14.809m2, chiếm tỷ lệ 15%.
 
Bến xe tải, xe khách và dịch vụ bến xe Yên Thường sẽ được quy hoạch theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp với nhu cầu bến xe, bến bãi xe, kết hợp hài hòa với tuyến các đường và dự án đô thị lân cận trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Đồng thời, phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm đã được UBND TP phê duyệt.
 
Báo KTĐT.

Bản đồ hành chính quận Hoàn Kiếm

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

1. Tổng thể quận Hoàn Kiếm



2. Phường Đồng Xuân

3. Phường Hàng Mã
4. Phường Cửa Đông









Bản đồ Hà Nội cũ


Lấy ý kiến Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Ngày 9/4, UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức hội nghị góp ý hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Mỹ Đức đến năm 2030, tỷ lệ 1/10000.
Theo Viện Nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị nông thôn (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam), huyện Mỹ Đức nên phát triển theo phương án đô thị hóa phân tán, trong đó: Xây dựng thị trấn Đại Nghĩa là đô thị loại V làm trung tâm huyện, với chức năng là hành chính chính trị và dịch vụ du lịch… Ưu điểm của phương án này là khai thác cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, giải quyết việc làm; hạn chế lấy đất nông nghiệp phát triển đô thị; tránh tập trung đô thị hóa cao ở khu vực trung tâm, phát triển phân tán đều trên toàn huyện; gắn kết và phát huy vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế bền vững; dễ quản lý và thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng…  
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thống nhất chọn phương án của đơn vị tư vấn; đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn phải khớp nối đầy đủ quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt; điều chỉnh số liệu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; phải ghi đúng tên, địa danh các công trình lịch sử văn hóa; gắn quy hoạch phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Sau khi đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện, huyện Mỹ Đức sẽ báo cáo Hội đồng thẩm định thành phố trong tháng 5 và trình phê duyệt trong tháng 6 năm nay.
* Chiều cùng ngày, UBND huyện Mỹ Đức cũng tổ chức hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung thị trấn Đại Nghĩa đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000. 

Báo KTĐT.

Công tác GPMB tại quận Thanh Xuân - Tập trung vào các dự án trọng điểm


KTĐT - Là địa bàn có nhiều dự án lớn phải GPMB, gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, tuy nhiên, quận Thanh Xuân đã và đang từng bước tháo gỡ vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Trong năm nay, quận Thanh Xuân tập trung triển khai hoàn thành công tác GPMB, nhất là tại các dự án trọng điểm của TP: Dự án đường Vành đai 2, các hạng mục của Dự án thoát nước Hà Nội…




Đường Lê Văn Lương từng "ách tắc" nhiều năm vì những khó khăn trong công tác GPMB.Ảnh: Đức San



Nhiều khó khăn, vướng mắc

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trong quá trình thực hiện công tác GPMB, đã nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp về vốn, nhà tái định cư và cơ chế chính sách. Cụ thể, quá trình kê khai, kiểm đếm đo đạc, xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu, hộ khẩu, thời gian sử dụng đất, thời gian cư trú của chủ sử dụng đất… ảnh hưởng đến tiến độ lập, thẩm tra, phê duyệt phương án. Bên cạnh đó, cơ chế bố trí vốn, giải ngân thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ, thỏa thuận bố trí nhà, duyệt giá nhà tái định cư… chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ quy định, dẫn đến bị động, phụ thuộc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ và gây khiếu nại, thắc mắc. 

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 02/2013/QĐ-UBND với nội dung chính đền bù theo hướng sát giá thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương, đã nảy sinh nhiều vướng mắc. 

Theo lãnh đạo quận Thanh Xuân, việc xác định giá đất bồi thường sát giá thị trường trong điều kiện bình thường theo Quyết định 02 của UBND TP (chỉ lấy một số thửa đất đặc trưng trong dự án để định giá), trong khi Luật Đất đai quy định phải xác định giá đất cho từng thửa đất, đây sẽ là một trong những nội dung khó trong tuyên truyền, giải thích. Số hộ có diện tích đất ở phải GPMB lớn sẽ bị thiệt thòi, do đất chỉ được bồi thường đến hạn mức 90m2. 

Mặc khác, nguồn vốn cho công tác GPMB của các dự án đã được phân bổ, nay đều phải bổ sung tăng (khi giá đất bồi thường sát giá thị trường). Các dự án đủ điều kiện và đang triển khai công tác GPMB trên địa bàn quận phần lớn chuyển tiếp từ năm 2012. Do đó, khi thực hiện theo Quyết định 02, đã phát sinh khối lượng lớn công việc liên quan đến nhiều cơ quan và làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB theo kế hoạch.

Không để phát sinh nhà "siêu mỏng, siêu méo"

Tại địa bàn quận Thanh Xuân, có những dự án kéo dài nhiều năm do không nhận được sự đồng thuận từ người dân, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền đã GPMB xong.

Dự án đường Lê Văn Lương là một ví dụ điển hình. Khi triển khai dự án, nhiều hộ dân không hợp tác, gây khó khăn cho công tác đo đạc, kiểm đếm. Sau khi rà soát, phân loại từng trường hợp, UBND phường, quận đã công khai mục đích dự án, sau đó khảo sát thực tế, lấy chi bộ, đảng viên, hệ thống chính trị ở cơ sở làm nòng cốt để tuyên truyền giúp người dân hiểu. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, địa phương kiến nghị xin cơ chế đặc thù giải quyết. Do đó, trong vòng gần một năm, gần 300 hộ đã tự nguyện bàn giao mặt bằng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, năm nay, quận tập trung cao độ cho việc GPMB các dự án trọng điểm của TP như: Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, Dự án đường Vành đai 2... Đối với những khó khăn trong công tác GPMB khi có Quyết định 02, sẽ thuê tư vấn độc lập xác định giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết những khó khăn phát sinh cũng như có đủ quỹ nhà phục vụ tái định cư. Đặc biệt sẽ không để phát sinh vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo" khi dự án làm xong…

Ngay trong quý I, Quận ủy đã chỉ đạo GPMB dự án dự án đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), tổng diện tích đất phải thu hồi 49.628m2, liên quan đến 31 cơ quan và 637 hộ dân, trong đó quận Thanh Xuân phải thu hồi 23.608m2 liên quan tới 7 cơ quan và 172 hộ dân ở phường Khương Mai, Phương Liệt và Khương Trung. Dù đã hoàn thành đo vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất, đang điều tra hiện trạng, xác nhận nguồn gốc đất, xác nhận hộ khẩu… tuy nhiên, khối lượng công việc tiếp theo còn nhiều. 

Do vậy, Quận ủy yêu cầu UBND quận phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo GPMB TP và các sở, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, biệt phái cán bộ giúp cho cơ sở, phân kỳ tiến độ thực hiện, không để phát sinh khó khăn phức tạp…
 
 
Báo KTĐT

Đường Vành đai 2 trên cao sẽ hoàn thành năm 2016

UBND TP Hà Nội vừa thống nhất phương án kết nối đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở theo hình thức hợp đồng BT.

Đường Vành đai 2 trên cao sẽ kết nối với đường đi thấp phần dưới đất tại vị trí nút giao Ngã tư Vọng để tạo hiệu quả đầu tư, thu hút luồng xe trong khu vực trung tâm TP. Về cấu tạo mặt cắt ngang đoạn Ngã tư Sở đến Ngã tư Vọng, TP thống nhất điều chỉnh bề rộng dải phân cách giữa rộng 4m để đảm bảo bề rộng tối thiểu bố trí trụ cầu trên cao. UBND TP giao Sở GTVT và Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội xây dựng tiến độ chi tiết của dự án đường Vành đai 2 đi thấp làm cơ sở xem xét, phê duyệt tiến độ dự án đường Vành đai 2 trên cao, hoàn thành trong năm 2016. Đồng thời yêu cầu các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.

Báo KTĐT.

Thi công xong hơn 600m đường danh riêng cho buýt nhanh BRT

Theo Ban QLDA Đầu tư phát triển GTVT - Sở GTVT, gói thầu xây dựng đường và trạm xe buýt nhanh (BRT) từ Khuất Duy Tiến đến Giảng Võ có tổng chiều dài 4,5km hiện đang được khẩn trương thi công.
Đến thời điểm này đơn vị thi công đã làm xong 625m gồm: đào bóc lớp mặt đường bê tông nhựa hiện tại của hai làn đường cạnh dải phân cách giữa và làm mới mặt đường bê tông xi măng (mỗi làn có chiều rộng 3,5m và chiều dày 25cm), lắp dựng dải phân cách giữa làn đường BRT và các làn đường thông thường khác...

Báo KTĐT.