Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, Hà Nội dự kiến xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung - Ảnh minh họa


Theo đó, phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông.

Thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước

Theo Quy hoạch, thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội.

Cụ thể, vùng Tả Đáy thoát nước bằng bơm cưỡng bức bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực sông Tô Lịch, Đông Mỹ, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn, diện tích khoảng 47.350 ha.

Vùng Hữu Đáy thoát nước tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn và các thị trấn, diện tích khoảng 31.310 ha.

Còn đối với vùng Bắc Hà Nội, kết hợp một phần thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, diện tích khoảng 46.740 ha.

Xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải
Theo Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải, khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ) được chia thành 5 lưu vực chính thu gom và xử lý nước thải. Tại khu vực này, phát triển hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.

Khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc khu vực từ Hữu Nhuệ đến sông Đáy và một phần lưu vực Tả Nhuệ còn lại) được chia thành 11 lưu vực; Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng được chia thành 13 lưu vực; các đô thị vệ tinh, đô thị Quốc Oai được chia thành 10 lưu vực thu gom và xử lý nước thải.

Mạng lưới thu gom nước thải bao gồm các trạm bơm chuyển bậc, các tuyến cống bao và giếng tách nước thải, cống thu gom nước thải riêng đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu thu gom toàn bộ nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.

Dự kiến sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị với công suất của các nhà máy xử lý nước thải đến 2030 là 1.808.300 m3/ngày, đến 2050 là 2.482.300 m3/ngày.

Khái toán kinh phí thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 116.500 tỷ đồng (tính theo thời điểm giá năm 2012). Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 dự kiến khoảng 53.350 tỷ đồng.
 
Theo Chinhphu.vn

Quy định mới về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ký Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND, ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Văn bản này quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý hệ thống đường đô thị; công tác quy hoạch liên quan đến hệ thống đường đô thị; công tác thiết kế, xây dựng liên quan đến hệ thống đường đô thị; công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị; công tác vận hành, sử dụng, khai thác hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thành phố,…

Tại văn bản này, UBND Thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã,… đối với công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị. Trong đó, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hệ thống đường đô thị; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định về việc quản lý và sử dụng toàn bộ hệ thống đường đôi thị trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Cấp các loại giấy phép đào hè, đào đường để thi công công trình, xây dựng, lắp đặt các công trình trên hè phố, lòng đường theo phân cấp; lắp đặt ki ốt tạm thời trên hè phố; tạm thời sử dụng lòng đường để đỗ xe; trung chuyển vật liệu xây dựng; Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn TP,…

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND Thành phố.

Theo Cổng giao tiếp điện tử TPHN

Đường sắt đô thị từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên đi qua 6 quận

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Ngày 9/5, Sở QH - KT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị tuyến số 1, đoạn từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên Nam, tỷ lệ 1/500.

Về cơ bản, hướng và vị trí của tuyến đường sắt đô thị trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có. Duy chỉ có 2 đoạn vị trí tim tuyến đường sắt mới không trùng với tuyến đường sắt hiện có là đoạn phía Nam ga Hà Nội từ phố Khâm Thiên đến đường ngang ngõ Nhà Dầu (dài khoảng 230m) vị trí tim đường dịch về phía Đông và đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh (dài 685m) tim tuyến dịch về phía Đông (phố Phùng Hưng). 

Đoạn tuyến này có chiều dài 7,5km đi qua địa bàn 6 quận là Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án từ 2013 - 2020, bằng nguồn vốn ODA, trong đó, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện từ 2013 - 2017. 


 

Báo KTĐT

Công bố chỉ giới tuyến số 1 đường sắt đô thị Hà Nội

Ngày 9-5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị tuyến số 1, đoạn từ Ga Giáp Bát đến Ga Long Biên Nam, tỷ lệ 1/500.

Về cơ bản, hướng và vị trí của tuyến đường sắt đô thị trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có, trừ đoạn Nam Ga Hà Nội từ phố Khâm Thiên đến đường ngang ngõ Nhà Dầu (dài khoảng 230m) vị trí tim đường dịch về phía đông và đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh (dài 685m) tim tuyến dịch về phía đông (phố Phùng Hưng). Toàn tuyến đường dài 7,5km đi qua địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Tuyến sử dụng đường sắt đôi, lồng 3 ray, khổ đường 1.435mm và 1.000mm, khoảng cách giữa hai tim làn đường là 4,2m. Tại nút Ngã Tư Vọng, mở rộng hơn đoạn thông thường về mỗi phía 1,26m.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 dài 15,36km, từ Ga Giáp Bát đến Ga Gia Lâm, trong đó có 10,57km đi trên cao, với các hạng mục chủ yếu là cầu cạn, cầu vượt đường bộ, cầu qua sông Hồng, các ga đường sắt… thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2020, bằng nguồn vốn ODA.

Quy hoạch bến xe Yên Thường thay thế bến Gia Lâm và Lương Yên

Ngày 9-5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm đã công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bến xe tải, xe khách và dịch vụ bến xe Yên Thường (Gia Lâm).
 


Theo quy hoạch, khu đất có hiện trạng là đất nông nghiệp, diện tích 9,8ha, gắn kết với quốc lộ 3 mới và các tuyến đường đô thị khác. Bến xe tải có sức chứa 120 xe, kho hàng 2.000m2 phục vụ nhu cầu đỗ gửi xe hoạt động trên tuyến quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn và hoạt động vận tải của Ga Yên Viên. Bến xe khách có công suất đỗ 350 xe liên tỉnh và 30 xe buýt, sau khi hoàn thành sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng xe từ bến xe Gia Lâm và Lương Yên.

Bến còn bố trí chỗ nghỉ ngơi cho hành khách. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Dự kiến, bến xe Yên Thường hoạt động từ năm 2015.

Công bố quy hoạch đoạn tuyến đường sắt đô thị số 2

Ngày 10/5, Sở QH - KT Hà Nội phối hợp với các quận, huyện và Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội công bố, bàn giao hai hồ sơ.
Cụ thể: Quy hoạch mặt bằng tuyến cho phần đi ngầm Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tỷ lệ 1/500 và Chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị - hành lang an toàn đường sắt đô thị và Tim tuyến đường sắt đô thị đoạn tuyến trên cao Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tỷ lệ 1/500.
 
Đây là những căn cứ quan trọng để tiến hành cắm mốc giới trên thực địa và là căn cứ để chủ đầu triển khai dự án, chính quyền địa phương thực hiện quản lý theo quy hoạch. 
 
  Theo Báo KTĐT

Sẽ xây dựng 2 cây cầu vượt tại quận Hoàn Kiếm

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm về việc lập và thực hiện dự án xây dựng cầu vượt nhẹ bằng kết cấu thép có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (bắc qua đường Trần Quang Khải) và dự án xây dựng cầu vượt cho người đi bộ qua đường Trần Nhật Duật (khu vực cổng trường tiểu học Trần Nhật Duật).

Trước đó, Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm đã có tờ trình UBND TP đề xuất triển khai 2 cầu vượt nói trên. Theo tờ trình, toàn bộ dọc hành lang tuyến đường Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải (dài hơn 2km) hiện chưa có cầu vượt dành cho người đi bộ cũng như cầu vượt cho các phương tiện cơ giới. Dọc tuyến tập trung rất nhiều khu dân cư, cơ quan, trường học… thường xuyên ùn tắc giao thông. Do đó, việc xây dựng cầu vượt trên tuyến là rất cần thiết. Dự kiến, công trình sẽ được triển ngay trong giai đoạn năm 2013-2014.

Hà Nội sắp có thêm công viên rộng 100.000m2

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013


UBND Hà Nội vừa cho thuê hơn 102.000m2 đất thuộc các phường Yên Hòa, Trung Hòa (quận Cầu Giấy) để nhà đầu tư xây dựng công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội.


Theo quyết định được ký vào cuối tháng 4 của UBND Hà Nội, phần lớn diện tích đất của dự án công viên hồ điều hòa (khoảng 99.000 m2) là đất nông nghiệp, đã được UBND quận Cầu Giấy ra quyết định thu hồi và hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Đối với gần 3.100 m2 còn lại, UBND thành phố đã ra quyết định thu hồi của 6 tổ chức sử dụng đất tại phường Yên Hòa và Trung Hòa. Thời hạn thuê đất là 50 năm.

 
Hà Nội sẽ có thêm công viên hồ điều hòa ở quận Cầu Giấy. Ảnh minh họa.
Hà Nội sẽ có thêm công viên hồ điều hòa ở quận Cầu Giấy. Ảnh minh họa.

Theo UBND Hà Nội, nhà đầu tư sẽ trả tiền thuê đất hàng năm. Đơn giá thuê được tính theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính và UBND thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng công viên hồ điều hòa đã được thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2010. Sau 12 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất ngoài thực địa, nếu nhà đầu tư không sử dụng đất, thành phố sẽ thu hồi đất đã cho thuê.

Khẩn trương về đích đúng hẹn các công trình giao thông trọng điểm

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội và vùng phụ cận đang được Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, phương tiện thi công nhằm rút ngắn tiến độ. Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được các cấp chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ để các dự án có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên: Phấn đấu vượt tiến độ


Những ngày này, công trường thi công dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (gói thầu PK2) đang vào giai đoạn nước rút. Không khí lao động trên công trường tấp nập, nào là máy lu nền đường, dây chuyền thảm bê tông át phan, cách đó không xa là công nhân đang chuẩn bị đổ bê tông mặt cầu. Với chiều dài khoảng 31km, rộng 34m, gói thầu PK2 nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thi công 6km từ Km 38 đến Km 44 và xây dựng 3 cầu thuộc địa bàn huyện Phổ Yên. Đến nay, đoạn này hoàn toàn không còn vướng mắc về GPMB, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào ngày 30-6 này. Đơn vị đã thi công xong nền đường và hệ thống cống thoát nước và thảm bê tông át phan được 2km. Về cầu, đã hoàn thành 2 cầu, cầu tại Km 42-827 trên tuyến chính đã đổ bê tông mặt cầu. Tổng Công ty đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành vượt kế hoạch từ 1 đến 2 tháng.

 

Khẩn trương thi công tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Khẩn trương thi công tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.


Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng Giám đốc Ban QLDA 2 (Bộ GTVT), thời gian qua, chủ đầu tư và các nhà thầu đã rất nỗ lực thi công bảo đảm tiến độ và chất lượng. PK2 là gói thầu đạt tiến độ tốt nhất của toàn dự án. Cho đến nay, tổng khối lượng công việc gói thầu đã hoàn thành 76%. Để sớm giải tỏa áp lực cho quốc lộ 3 cũ, Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu thi công gấp rút, đưa đoạn qua Thái Nguyên thông xe và khai thác trước ngày 30-6. Đoạn còn lại qua địa phận Hà Nội và Bắc Ninh sẽ thông xe vào cuối năm 2013. Thời gian còn lại không nhiều, chính vì vậy Ban QLDA 2 yêu cầu các nhà thầu tập trung với nỗ lực và nguồn lực cao nhất, thi công 3 ca, 4 kíp liên tục để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Đường Nhật Tân - Nội Bài: Chạy đua với thời gian

Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài dài 12,1km, bắt đầu tại Km 0+00, nút giao Nam Hồng, kết thúc tại Km12+100 (nút giao với quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài), theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2014. Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng Giám đốc Ban QLDA 85 cho biết: công trình được chia làm 5 gói thầu xây lắp. Hiện nay, chỉ có gói thầu số 1 là tạm yên tâm vì khối lượng công việc đã đạt hơn 70%. Các gói thầu còn lại mới đạt khoảng 20%. Chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ chi tiết và rút ngắn thời gian thi công đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang chạy đua với thời gian để gấp rút thi công. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, trong tổng diện tích cần GPMB khoảng hơn 128ha, các địa phương mới bàn giao được hơn 118ha. Diện tích còn vướng đa phần là đất thổ cư nên GPMB còn khó khăn.

Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: Thời gian còn lại không nhiều, không còn cách nào khác, chủ đầu tư và các nhà thầu phải khẩn trương đẩy mạnh thi công, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rút ngắn thời gian hoàn thành dự án. Đây là đường nối từ sân bay quốc tế về Thủ đô, nên chất lượng và mỹ thuật phải tốt nhất. Dù rút ngắn tiến độ, không nhà thầu nào được lơi là chất lượng và mỹ thuật.

Được biết với dự án này, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các huyện nơi dự án đi qua cũng như các sở, ngành liên quan và Ban chỉ đạo GPMB TP tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm vướng mắc, đặc biệt là về cơ chế, chính sách bồi thường, quỹ đất tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi dự án. Với quyết tâm cao từ phía cơ quan chức năng của TP Hà Nội và nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ GTVT, dự án sẽ về đích đúng hẹn.

Phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội huyện Chương Mỹ

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Chương Mỹ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Chương Mỹ trở thành huyện phát triển đô thị kết hợp với nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Đây cũng là vùng phát triển năng động của thành phố với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản hoàn chỉnh, các vùng nông thôn được cải tạo, phát triển bảo đảm các tiêu chí theo mô hình nông thôn mới.

Đến năm 2030, huyện Chương Mỹ có nền kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với hệ thống đô thị phát triển hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển các khu thương mại đầu mối kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây bắc.

Công bố quy hoạch phân khu Khu Liên hợp thể thao Quốc gia

Ngày 25/4, Sở QH - KT và UBND huyện Từ Liêm phối hợp tổ chức công bố, bàn giao hồ sơ quy hoạch phân khu Khu Liên hợp thể thao Quốc gia (LHTTQG) tỷ lệ 1/2000.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm trong ranh giới của Khu Liên hợp thể thao Quốc gia, huyện Từ Liêm với tổng diện tích gần 170,55ha. Các khu chức năng đã xây dựng và giữ nguyên theo quy hoạch được duyệt có tổng diện tích gần 38,2ha; các khu chức năng điều chỉnh quy hoạch có tổng diện tích gần 132.35ha, gồm đất các khu: Thể thao trong nhà, đua xe đạp lòng chảo, thể thao dưới nước, Bệnh viện Thể thao Việt Nam...
Theo Báo KTĐT