Phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, Hà Nội dự kiến xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung - Ảnh minh họa


Theo đó, phạm vi nghiên cứu gồm toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước thuộc địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích 3.344,47 km2 và phần mở rộng ngoài địa giới hành chính Hà Nội thuộc các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên có cùng lưu vực sông.

Thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước

Theo Quy hoạch, thành phố Hà Nội có 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội.

Cụ thể, vùng Tả Đáy thoát nước bằng bơm cưỡng bức bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực sông Tô Lịch, Đông Mỹ, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Phú Xuyên và các thị trấn, diện tích khoảng 47.350 ha.

Vùng Hữu Đáy thoát nước tiêu tự chảy kết hợp với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chúc Sơn và các thị trấn, diện tích khoảng 31.310 ha.

Còn đối với vùng Bắc Hà Nội, kết hợp một phần thoát nước tự chảy với bơm tiêu đô thị và thủy lợi bao gồm các lưu vực thoát nước đô thị là lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, diện tích khoảng 46.740 ha.

Xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải
Theo Quy hoạch thoát nước thải và xử lý nước thải, khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc lưu vực Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ) được chia thành 5 lưu vực chính thu gom và xử lý nước thải. Tại khu vực này, phát triển hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới thoát nước chung đã có và xây dựng mới mạng lưới thu gom nước thải để đưa nước thải về nhà máy xử lý tập trung của từng lưu vực.

Khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng (thuộc khu vực từ Hữu Nhuệ đến sông Đáy và một phần lưu vực Tả Nhuệ còn lại) được chia thành 11 lưu vực; Khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng được chia thành 13 lưu vực; các đô thị vệ tinh, đô thị Quốc Oai được chia thành 10 lưu vực thu gom và xử lý nước thải.

Mạng lưới thu gom nước thải bao gồm các trạm bơm chuyển bậc, các tuyến cống bao và giếng tách nước thải, cống thu gom nước thải riêng đã được quy hoạch về hướng tuyến, quy mô và sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu thu gom toàn bộ nước thải về các nhà máy xử lý nước thải.

Dự kiến sẽ xây dựng 39 nhà máy xử lý nước thải tập trung chính cho các đô thị với công suất của các nhà máy xử lý nước thải đến 2030 là 1.808.300 m3/ngày, đến 2050 là 2.482.300 m3/ngày.

Khái toán kinh phí thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 116.500 tỷ đồng (tính theo thời điểm giá năm 2012). Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 dự kiến khoảng 53.350 tỷ đồng.
 
Theo Chinhphu.vn

Quy định mới về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ký Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND, ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Văn bản này quy định cụ thể về thẩm quyền quản lý hệ thống đường đô thị; công tác quy hoạch liên quan đến hệ thống đường đô thị; công tác thiết kế, xây dựng liên quan đến hệ thống đường đô thị; công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị; công tác vận hành, sử dụng, khai thác hệ thống đường đô thị trên địa bàn Thành phố,…

Tại văn bản này, UBND Thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã,… đối với công tác quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị. Trong đó, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hệ thống đường đô thị; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định về việc quản lý và sử dụng toàn bộ hệ thống đường đôi thị trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; Cấp các loại giấy phép đào hè, đào đường để thi công công trình, xây dựng, lắp đặt các công trình trên hè phố, lòng đường theo phân cấp; lắp đặt ki ốt tạm thời trên hè phố; tạm thời sử dụng lòng đường để đỗ xe; trung chuyển vật liệu xây dựng; Chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn TP,…

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND Thành phố.

Theo Cổng giao tiếp điện tử TPHN

Đường sắt đô thị từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên đi qua 6 quận

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Ngày 9/5, Sở QH - KT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị tuyến số 1, đoạn từ ga Giáp Bát đến ga Long Biên Nam, tỷ lệ 1/500.

Về cơ bản, hướng và vị trí của tuyến đường sắt đô thị trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có. Duy chỉ có 2 đoạn vị trí tim tuyến đường sắt mới không trùng với tuyến đường sắt hiện có là đoạn phía Nam ga Hà Nội từ phố Khâm Thiên đến đường ngang ngõ Nhà Dầu (dài khoảng 230m) vị trí tim đường dịch về phía Đông và đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh (dài 685m) tim tuyến dịch về phía Đông (phố Phùng Hưng). 

Đoạn tuyến này có chiều dài 7,5km đi qua địa bàn 6 quận là Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án từ 2013 - 2020, bằng nguồn vốn ODA, trong đó, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện từ 2013 - 2017. 


 

Báo KTĐT

Công bố chỉ giới tuyến số 1 đường sắt đô thị Hà Nội

Ngày 9-5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ đường sắt đô thị tuyến số 1, đoạn từ Ga Giáp Bát đến Ga Long Biên Nam, tỷ lệ 1/500.

Về cơ bản, hướng và vị trí của tuyến đường sắt đô thị trùng với tuyến đường sắt quốc gia hiện có, trừ đoạn Nam Ga Hà Nội từ phố Khâm Thiên đến đường ngang ngõ Nhà Dầu (dài khoảng 230m) vị trí tim đường dịch về phía đông và đoạn từ phố Trần Phú đến ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh (dài 685m) tim tuyến dịch về phía đông (phố Phùng Hưng). Toàn tuyến đường dài 7,5km đi qua địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Tuyến sử dụng đường sắt đôi, lồng 3 ray, khổ đường 1.435mm và 1.000mm, khoảng cách giữa hai tim làn đường là 4,2m. Tại nút Ngã Tư Vọng, mở rộng hơn đoạn thông thường về mỗi phía 1,26m.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 dài 15,36km, từ Ga Giáp Bát đến Ga Gia Lâm, trong đó có 10,57km đi trên cao, với các hạng mục chủ yếu là cầu cạn, cầu vượt đường bộ, cầu qua sông Hồng, các ga đường sắt… thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2020, bằng nguồn vốn ODA.

Quy hoạch bến xe Yên Thường thay thế bến Gia Lâm và Lương Yên

Ngày 9-5, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm đã công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bến xe tải, xe khách và dịch vụ bến xe Yên Thường (Gia Lâm).
 


Theo quy hoạch, khu đất có hiện trạng là đất nông nghiệp, diện tích 9,8ha, gắn kết với quốc lộ 3 mới và các tuyến đường đô thị khác. Bến xe tải có sức chứa 120 xe, kho hàng 2.000m2 phục vụ nhu cầu đỗ gửi xe hoạt động trên tuyến quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn và hoạt động vận tải của Ga Yên Viên. Bến xe khách có công suất đỗ 350 xe liên tỉnh và 30 xe buýt, sau khi hoàn thành sẽ tiếp nhận toàn bộ lượng xe từ bến xe Gia Lâm và Lương Yên.

Bến còn bố trí chỗ nghỉ ngơi cho hành khách. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Dự kiến, bến xe Yên Thường hoạt động từ năm 2015.